Bối cảnh Richelieu (lớp thiết giáp hạm)

Lớp Richelieu xuất phát từ lớp thiết giáp hạm Dunkerque, và được thiết kế nhằm đối phó mối đe dọa từ các thiết giáp hạm mới của Hải quân Ý (Regia Marina) Vittorio VenetoLittorio. Tốc độ, sự bảo vệ, vũ khí trang bị và kỹ thuật nói chung của chúng khá tiên tiến, đáng chú ý nhất là sự sắp xếp tháp pháo bốn nòng bất thường.

Vào tháng 2 năm 1929, Hải quân Đức đặt lườn chiếc Deutschland, một kiểu tàu chiến mà người Đức xếp vào loại "tàu bọc thép" (tiếng Đức: Panzerschiff) có tải trọng 10.000 tấn, về mặt hình thức tuân thủ theo Hiệp ước Versailles, nhưng trong thực tế nặng hơn ít nhất 25%, nhưng điều này đã không được biết đến ngay vào lúc đó.[1] Với hai tháp pháo 280 mm (11 inch) SK C/28 ba nòng và một tốc độ tối đa 28,5 knot, con tàu này có hỏa lực vượt trội hơn mọi chiếc tàu tuần dương hạng nặng, vốn chỉ trang bị pháo 203 mm (8 inch) nhằm tuân theo quy định của Hiệp ước Hải quân Washington giới hạn cỡ nòng dàn pháo chính của tàu tuần dương, và nhanh hơn mọi thiết giáp hạm chỉ trừ ba chiếc tàu chiến-tuần dương nhanh nhất của Hải quân Hoàng gia Anh: HMS Hood, HMS RenownHMS Repulse.[2] Lớp Deutschland thường được các nước khác, trước tiên là bởi Hải quân Hoàng gia Anh, gọi là những "thiết giáp hạm bỏ túi", cho dù tên chính thức mà người Đức gọi chúng là những "tàu tuần dương bọc thép".

Sau Deutschland, người Đức tiếp tục mở rộng lớp tàu này khi tiếp tục đặt lườn Admiral Scheer vào tháng 6 năm 1931Admiral Graf Spee vào tháng 10 năm 1932.[3]

Phản ứng của Bộ Hải quân Pháp là đưa ra thiết kế sơ thảo cho một lớp tàu sẽ vượt trội hơn những "thiết giáp hạm bỏ túi" của Đức về hỏa lực, vỏ giáp và tốc độ. Phó Đô đốc Violette, Tổng tham mưu trưởng Hải quân Pháp, nhanh chóng nhận ra rằng, với một tải trọng dưới 26.000 tấn, không thể nào tích hợp hai tháp pháo bốn nòng phía trước với cỡ nòng lớn hơn 305 mm, tốc độ gần 30 knot và vỏ giáp có khả năng chống lại đạn pháo 280 mm.[4] Vì vậy đã khai sinh ra lớp Dunkerque với tải trọng 35.000 tấn.[5] Chiếc dẫn đầu của lớp tàu này, Dunkerque, mang tên thị trấn biểu trưng cho Chiến tranh với Đức năm 1914-1918, được đặt hàng trong Chương trình Chế tạo Hải quân 1932, và được đặt lườn vào ngày 24 tháng 12 năm 1932. Nó được nhanh chóng tiếp nối với chiếc thứ hai Strasbourg, được đặt lườn vào tháng 11 năm 1934.

Vào ngày 14 tháng 2 năm 1934, Đức tiếp tục đặt hàng hai thiết giáp hạm (mà người Anh xem chúng là tàu chiến-tuần dương), mà thiết kế được dựa trên lớp Ersatz Yorck vốn được vạch kế hoạch vào năm 1915.[6] Chiếc Gneisenau được đặt lườn vào ngày 6 tháng 5 năm 1935, tiếp nối bởi chiếc Scharnhorst vào ngày 15 tháng 6 năm 1935. Chúng có trọng lượng rẽ nước nặng hơn lớp Dunkerque, vỏ giáp tốt hơn, và trang bị chín khẩu hải pháo 28 cm SK C/34, cùng cỡ với lớp Deutschland. Theo ý muốn của Adolf Hitler, một cỡ pháo nặng hơn đã từng được xem xét cho dàn pháo chính, vì lớp Dunkerque được trang bị cỡ pháo 330 mm; nhưng vào lúc những quyết định cuối cùng về thiết kế lớp tàu này được đưa ra, Đức đang đàm phán Thỏa thuận Hải quân Anh-Đức 1935, khi mà Chính phủ Anh khẳng định mong muốn giới hạn cỡ nòng pháo chính trên thiết giáp hạm. Vì vậy, một cách miễn cưỡng, kiểu hải pháo 28 cm SK C/34 cải tiến với nòng dài hơn, lưu tốc đầu đạn lớn hơn, nhưng có cùng cỡ nòng 280 mm đã được chọn.[6]

Vì các nhà thiết kế Hải quân Pháp tin rằng vỏ giáp của lớp Dunkerque có thể chống lại đạn pháo 280 mm, họ đã không cần đến một lớp thiết giáp hạm nặng hơn sau đó, nếu như Benito Mussolini đã không tuyên bố vào ngày 26 tháng 5 năm 1934 quyết định chế tạo lớp thiết giáp hạm Vittorio Veneto tải trọng 35.000 tấn, những chiếc thiết giáp hạm Ý đầu tiên kể từ Hiệp ước Hải quân Washington.[4][7]

Theo những điều khoản của Hiệp ước Washington, PhápÝ mỗi nước sẽ được phép thay thế, sau năm 1927, hai trong số các thiết giáp hạm cũ của họ, trong phạm vi giới hạn về tải trọng 35.000 tấn và cỡ pháo 16 inch;[8] tuy nhiên Pháp và Italy đã không sử dụng quyền của mình. Lý do chính là do những khó khăn tài chính mà hai nước này gặp phải; nhưng ngay cả trong các cuộc đụng độ hải quân, tầm quan trọng của việc chế tạo thiết giáp hạm rất đáng nghi ngờ,[9] Ở cả hai nước này, người ta thiên về cách hiện đại hóa tuần tự những thiết giáp hạm cũ thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất, bao gồm các lớp Courbet[10]Bretagne[11] của Pháp và lớp Conte di Cavour[12] của Italy; đồng thời mỗi nước đã chế tạo bảy tàu tuần dương hạng nặng, cho đến khi Pháp quyết định chế tạo lớp thiết giáp hạm Dunkerque mới.

Ảnh hưởng bởi nỗi lo sợ là các thiết giáp hạm hiện đại mới của Pháp sẽ phá vỡ thế cân bằng lực lượng hải quân tại Địa Trung Hải, Italy quyết định công bố việc chế tạo hai chiếc thiết giáp hạm lớp Vittorio Veneto với một trọng lượng choán nước 35.000 tấn, trang bị pháo 381 mm trên ba tháp pháo ba nòng, một vỏ giáp bảo vệ và đai chống ngư lôi tương xứng, và một tốc độ tối đa 30 knot.[13][14] Chúng được chính thức công bố là tuân thủ theo những giới hạn của Hiệp ước Washington về tải trọng tối đa của thiết giáp hạm, cho dù trong thực tế chúng nặng hơn 6.000 tấn.[15] Các thiết giáp hạm LittorioVittorio Veneto được đặt lườn vào ngày 28 tháng 10 năm 1934.

Phản ứng của Pháp trước tuyên bố của Ý là quyết định đặt kế hoạch cho một lớp thiết giáp hạm mới, lớp Richelieu.[16] Chiếc dẫn đầu của lớp được đặt lườn vào tháng 10 năm 1935.

Đức Quốc xã dấn thêm bước nữa khi đặt lườn hai thiết giáp hạm mới: Bismarck vào tháng 11 năm 1935Tirpitz vào tháng 6 năm 1936. Những con tàu này có nguyên lý thiết kế khá cổ điển, gồm tám khẩu pháo 380 mm trên các tháp pháo nòng đôi gồm hai phía trước và hai phía sau, dàn pháo chống hạm hạng hai gồm sáu tháp pháo nòng đôi bên mạn, hỏa lực phòng không mạnh mẽ với mười sáu khẩu 105 mm trên tám tháp pháo nòng đôi cùng nhiều khẩu 37 mm và 20 mm.[17] Được chính thức công bố có trọng lượng choán nước 35.000 tấn, tải trọng thực tế của chúng thậm chí vượt quá 45.000 tấn.[16]

Câu trả lời của Pháp là việc chế tạo chiếc thứ hai trong lớp Richelieu, Jean Bart, đặt lườn vào tháng 12 năm 1936. Năm 1937, Ý đặt hàng thêm hai thiết giáp hạm lớp Vittorio Veneto, sẽ được đặt lườn vào năm 1938.

Năm 1936, sự thất bại của Hội nghị Hải quân London thứ hai đánh dấu việc kết thúc sự giới hạn chạy đua vũ trang hải quân trên thế giới. Nhật Bản đã rút khỏi Hội nghị vào ngày 15 tháng 1 và Ý cũng từ chối ký kết Hiệp ước. Một điểm gọi là "điều khoản leo thang", được đưa vào Hiệp ước do sự thúc dục của các nhà thương lượng Hoa Kỳ, cho phép các nước tham gia: Pháp, Anh và Hoa Kỳ, nâng giới hạn cỡ nòng của dàn pháo chính từ 356 mm (14 inch) lên 406 mm (16 inch), và trọng lượng choán nước của thiết giáp hạm từ 35.000 lên 45.000 tấn, nếu như Nhật Bản hay Ý vẫn từ chối ký hiệp ước cho đến ngày 1 tháng 4 năm 1937.[18] Hoa Kỳ đã áp dụng cỡ pháo 406 mm (16 inch) cho những lớp thiết giáp hạm nhanh mới của họ;[16] Anh quyết định tôn trọng giới hạn của Hiệp ước Hải quân London thứ hai cho lớp King George V; Đức không liên quan vì họ không được mời tham gia Hội nghị, nhưng một cách chính thức, các thiết giáp hạm Bismarck và Tirpitz có cỡ pháo 380 mm và tải trọng 35.000 tấn. Vì vậy Pháp quyết định tôn trọng giới hạn 35.000 tấn và 380 mm cho đến khi không có thế lực hải quân nào tại Lục địa châu Âu vượt qua nó.[18][19] Cân nhắc tất cả các điểm trên, vào cuối năm 1937, Tổng tư lệnh Hải quân Pháp mới nhậm chức, Đô đốc François Darlan, ra lệnh nghiên cứu một thiết kế thiết giáp hạm mới gồm hai chiếc,[20] khi mà việc chạy thử máy chiếc Dunkerque cho phép đánh giá hiệu quả của thiết kế, đặc biệt là dàn pháo chính bốn nòng hướng toàn bộ ra phía trước, và dàn pháo hạng hai đa dụng (phòng không và đối hạm) với cỡ nòng tương đối nhẹ.[21]